Giảng viên Đại học gốc Nga Aleksandr Kogan là cái tên liên tục được nhắc đến trong khủng hoảng lộ thông tin lớn nhất của Facebook tuần này.
Trang CNN cho biết, trong email mà Kogan gửi tới các đồng nghiệp tại Đại học Cambridge (Anh) có đoạn: "Tôi được hỏi một cách nghiêm túc rằng liệu FBI có liên hệ, liệu Quốc hội hay có nhà chức trách nào của Anh đã đến gặp. Không ai cả. Tôi đoán họ nhận ra tôi thực sự không phải một gián điệp. Nhưng nếu có ai xuất hiện và chất vấn, thì tôi cũng vui lòng xác nhận và nói rõ ràng về dự án".
Aleksandr Kogan. Ảnh: GuardianNăm 2013, công ty của Kogan xây dựng một ứng dụng khảo sát tâm lý. Ứng dụng này trả tiền cho 270.000 người tham gia nhưng yêu cầu được tiếp cận một số thông tin như tên tuổi, vị trí địa lý, giới tính, những trang họ "like" và cả danh sách bạn bè của họ. Với mạng lưới kết nối bạn bè trên mạng xã hội, kết quả là tổng cộng 50 triệu người bị thu thập thông tin. Đến nửa sau năm 2014, Kogan bán dữ liệu cho Cambridge Analytica - công ty từng làm việc cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 của Donald Trump.
"Tôi đã trải qua một tuần kỳ cục. Một số phóng viên của NY Times và Guardian hỏi tôi có phải gián điệp Nga hay không. Nếu đúng thì chắc tôi là gián điệp ngốc nhất thế giới", Kogan nói.
Về việc Facebook cáo buộc Kogan nói dối mục đích thu thập dữ liệu, Kogan viết trong email rằng ban đầu ông sử dụng ứng dụng cho mục đích học thuật, nhưng sau đó đã cập nhật một cách rõ ràng các điều khoản trên Facebook, nói rằng Kogan được quyền sử dụng dữ liệu đó trong phạm vi rộng, kể cả bán dữ liệu.
Theo Facebook, ứng dụng của giảng viên này ban đầu được mô tả "là một phần của chương trình nghiên cứu tại Khoa tâm lý thuộc Đại học Cambridge". Facebook cho hay Kogan không hề thông báo khi ông thay đổi mục đích từ học thuật sang thương mại, trong khi đáng lẽ ông nên thông báo cho công ty một cách trực tiếp.
Năm 2015, khi nhận ra Kogan và Cambridge Analytica mua bán thông tin trái phép, Facebook đã gỡ bỏ ứng dụng và yêu cầu cả hai xoá dữ liệu. Kogan khẳng định ông đã thực hiện ngay.
Kogan hiện vẫn làm việc tại Đại học Cambridge, đồng thời điều hành một công ty khảo sát trực tuyến. Công ty này sử dụng trí tuệ nhân tạo để dự đoán quan điểm của mọi người về những vấn đề khác nhau.
Theo Minh Minh (VnExpress.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét